Công ty TNHH PIMA là một trong những công ty đầu tiên tại Việt Nam sản xuất tấm ván nhựa PVC (Pima Foam), một sản phẩm mới ưu việt thay thế ván gỗ công nghiệp và tự nhiên MDF, MFC …

Hotline: 091 779 7338

ấp Bình Tiền 2, Xã Đức Hòa Hạ, Huyện Đức Hoà, Long An

Thứ 2 - Thứ 6: 8 AM - 5 PM

Top

Hãy chú ý đến môi trường sống quanh bạn!

Để có một không gian sống lí tưởng, chất lượng cuộc sống được nâng cao, sức khoẻ được đảm bảo thì tại sao các bạn không tìm giải pháp để cải thiện chất lượng không khí ở môi trường gần gũi với mình nhất, đó chính là việc tổ chức không gian nội thất quanh bạn. Vậy, giải pháp nào để không gian nội thất thêm đẹp và thêm “xanh” ?
Trang trí nội thất với cây xanh

Những chậu cây, hoa sẽ giúp cho không gian nhà đẹp hơn, tạo điểm nhấn xanh cho ngôi nhà của bạn. Màu xanh của cây sẽ giúp cho màu sắc tổng thể của căn phòng trở nên hài hòa, tươi mát và đầy sức sống. Có thêm cây xanh trong nhà như có thêm máy lọc khí thiên nhiên. Thậm chí, một số loại cây còn có tác dụng hút bớt độc tố trong không khí như trầu bà, lưỡi hổ, lan ý,… Cây xanh còn giúp bạn cảm thấy hạnh phúc, suy nghĩ tích cực, làm việc hiệu quả hơn và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn.

Sử dụng vật liệu “xanh”, thân thiện với môi trường

Vật liệu “xanh” được ưa chuộng trong không gian nội thất hiện nay thường là những vật liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, có thể tái chế, tái sử dụng, được tận dụng từ những chất phế thải trong công nghiệp và nông nghiệp, giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất và sử dụng,… chẳng hạn như mây, tre, cói, xơ mướp, vải dán tường, các sản phẩm dệt may từ sợi thiên nhiên, kính có chỉ số hấp thụ năng lượng mặt trời (SHGC) thấp,… Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều tổ chức đánh giá, cấp chứng nhận cho các loại vật liệu “xanh” như: Green Seal của Mỹ, Trusted Green của Anh và Đức, Green Label của Singapore, …

Nội thất mây tre đan đang dần trở lại và nhận được sự ưa thích bởi sự hài hoà và ấm áp cho không gian sống.

Thảm cói với nét duyên dáng, mộc mạc và cũng rất tinh tế.

 

Xơ mướp được ép thành những tấm ốp tường sinh động và độc đáo

Mang thiên nhiên vào nhà

Hãy cố gắng mang thiên nhiên vào không gian nội thất bất cứ khi nào có thể để đón nhận ánh sáng tự nhiên, không khí trong lành, … để không gian sống của bạn trở nên tươi mát, thông thoáng và gần gũi với thiên nhiên hơn. Để tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, giảm thiểu sử dụng điện năng và điều hoà không khí, hãy chú ý đến hệ thống cửa sổ, cửa ra vào và bố trí đồ nội thất hợp lý để nơi đâu cũng tràn ngập khí tươi và ánh sáng.

Thiên nhiên tươi mát luôn hiện diện trong không gian nội thất

Tránh những sản phẩm chứa các chất độc hại

Một số đồ nội thất và vật liệu trong nhà vẫn còn tồn tại nhiều chất độc hại gây ô nhiễm không khí như benzen, formaldehyde, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC – Volatite Organic Compounds), thậm chí là một vài kim loại nặng, … Về lâu dài, các yếu tố độc hại này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ra những căn bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch và hô hấp,…

Hãy lưu ý khi lựa chọn các loại sơn, lớp phủ, chất kết dính, keo trám khe, keo dán, chất tẩy rửa,… chứa hàm lượng VOC thấp hoặc không chứa VOC. Ưu tiên sử dụng các loại sơn không chứa chì, thủy ngân; sơn sinh thái có khả năng hấp thụ khí CO2 trong môi trường, …

Nội thất làm từ gỗ công nghiệp kém chất lượng thường có chứa lượng formaldehyde khá cao trong keo kết dính gỗ. Đây cũng là một chất độc hại, có thể phát tán ra không khí nên cũng cần lưu ý chọn loại gỗ có hàm lượng formaldehyde không vượt ngưỡng cho phép.

Hạn chế sử dụng những sản phẩm nội thất có nguồn gốc công nghiệp, chiết xuất từ dầu mỏ, làm bằng các loại sợi tổng hợp, cao su tổng hợp, các loại nhựa dẻo không rõ nguồn gốc và xuất xứ.

Sử dụng những vật liệu, thiết bị tiết kiệm năng lượng điện

Hãy trang bị thêm vật liệu cách nhiệt cho tường và mái, sử dụng đèn led tiết kiệm điện, tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, định kỳ làm sạch tấm lọc của máy điều hoà và hiện đại hoá hệ thống cửa sổ bằng kính hộp cách nhiệt, … Đầu tư thêm các thiết bị như máy nước nóng năng lượng mặt trời, máy lọc không khí, quạt hút, máy hút mùi, tủ lạnh và máy điều hoà inverter, … Điều này tuy tốn kém lúc đầu nhưng sẽ làm giảm chi phí sử dụng điện trong nhà bạn rất đáng kể.

Tối giản hóa nội thất

Một không gian sống bề bộn, chật hẹp với nhiều đồ nội thất rườm rà, không có giá trị sử dụng, lại còn cầu kỳ và lòe loẹt màu sắc sẽ làm cho bạn cảm thấy ngột ngạt, bí bách và thật rối mắt. Vậy tại sao không thử lấy cảm hứng từ lối sống “minimalist”, hãy tối giản hóa nội thất ở từng đường nét, chi tiết trang trí, vật dụng và màu sắc sao cho thật tinh tế, hài hoà, đơn giản nhưng không nhàm chán.

Chỉ nên giữ lại những thứ thật sự quan trọng, loại bỏ những vật dụng không cần thiết hoặc tận dụng nó làm những sản phẩm tái chế hữu ích để không gian sử dụng thật tối ưu, luôn thoáng đãng và tiện ích.

Nội thất tinh giản tôn lên sự nhẹ nhàng và thanh thoát

Ưu tiên đồ nội thất đa năng

Khi khuynh hướng đô thị hóa ngày càng gia tăng mạnh mẽ, không gian sống ngày càng bị thu hẹp thì việc lựa chọn đồ nội thất đa năng, thông minh, nhỏ gọn và tích hợp nhiều công năng chỉ trong một sản phẩm là điều đáng quan tâm. Căn phòng như biến đổi linh hoạt theo không gian và thời gian, tránh sự nhàm chán và đơn điệu. Không gian nhà bạn bỗng trở nên rộng rãi, gọn gàng và đa năng. Không khí trong nhà được đối lưu tốt nên thông thoáng hơn với những món đồ nội thất cực kì “thông minh” và thú vị này.

Món nội thất độc đáo tích hợp chiếc giường ngủ êm ái với khu vực tiếp khách bao gồm ghế sofa và kệ trang trí đẹp mắt.

Ngoài ra, để môi trường sống “xanh” hơn, cần quan tâm thêm các yếu tố khác như giữ không gian nội thất luôn sạch sẽ, ưu tiên chọn màu sắc tươi sáng, bố trí đồ nội thất hợp lý, thường xuyên bảo dưỡng các thiết bị, kiểm tra vật dụng trong nhà, … Càng tích hợp nhiều yếu tố thì hiệu quả càng tối ưu nhưng cũng phải phù hợp với sở thích, phong cách và gu thẩm mỹ của người sở hữu.

Làm “xanh” hoá không gian nội thất chính là việc bảo vệ sức khoẻ cho chính bạn, gia đình bạn và những người xung quanh. Cuộc sống sẽ chất lượng hơn, tốt đẹp hơn và thật hạnh phúc nếu mình đã góp phần bảo vệ môi trường và sống có ý nghĩa, có trách nhiệm với cộng đồng.

ThS. Nguyễn Thanh Bảo Nghi – Giảng viên Trường ĐH Kiến Trúc TP. HCM
© Tạp chí kiến trúc